Căn bệnh này rất dễ bùng phát thành dịch lớn, nhất là trong mùa hè. Hiện chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, cách phòng chống tốt nhất vẫn là diệt và tránh muỗi, phát hiện để điều trị sớm các ca bệnh. Sốt xuất huyết có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt virus khác. Vì vậy nhiều người chủ quan tự mua thuốc uống. Theo các chuyên gia y tế, có một số loại thuốc không thể uống nếu bị sốt xuất huyết vì chúng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sốt xuất huyết do virus Dengue có thể gây nên nhiều thể bệnh khác nhau, với 3 triệu chứng chính: Sốt cao, đột ngột, sốt liên tục (cần lưu ý khi sốt giảm một cách đột ngột rất dễ rơi vào tình trạng sốc).
Gan to, đau: Bệnh nhân thường đau hạ sườn phải.
Xuất huyết với nhiều mức độ: Gồm nốt xuất huyết nhỏ trên da (ấn lên không lặn, đường kính khoảng 1-2 mm, xuất hiện tự nhiên không do tác động nào) hoặc những mảng bầm tím xuất hiện tự nhiên hay khi tiêm. Có thể xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng), đường tiêu hóa (đi ngoài phân đen, nôn ra máu), tử cung (rong kinh hoặc kinh kéo dài). Có thể xuất huyết não gây rối loạn tri giác, trụy tim mạch (tay, chân mát lạnh, mạch nhanh, nhỏ khó bắt; huyết áp tụt hoặc không thể đo được, tiểu ít hoặc vô niệu).
Phát hiện bệnh sớm là một điều cực kỳ quan trọng. Nên nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết nếu thấy trẻ sốt đột ngột và sốt cao, sốt liên tục (liên miên trong một ngày đêm), nhất là trong mùa mưa, hàng xóm cũng có người sốt kiểu như vậy. Không nên chờ đến lúc có đốm xuất huyết để khẳng định bệnh mà phải đi khám ngay.
Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn vì sốt cao có thể gây ra co giật và lượng nước ở trong cơ thể trẻ em nhiều nên dễ mất nước khi sốt cao dẫn đến trụy tim mạch (hạ huyết áp). Mặt khác, do trẻ không thể biết được về tình hình diễn biến bệnh nên nếu người lớn không chăm sóc và theo dõi chặt chẽ dễ có nhiều biến loạn khác. Nếu bệnh nhi vẫn khỏe mạnh, ăn chơi như thường và chưa thể đưa đi khám thì phải hạ nhiệt bằng cách lau ấm (không nên chườm lạnh) kết hợp uống paracetamol 10-15 mg/kg/ mỗi lần, có thể lặp lại sau 4 giờ nếu còn sốt nhưng không nên dùng quá 60 mg/kg mỗi ngày.
Rất cần bù dịch cho trẻ (vì sốt cao gây mất nước và chất điện giải) nhằm ngăn ngừa bệnh nhẹ chuyển thành nặng do sốc. Uống oresol 100-150 ml/kg mỗi ngày. Nếu không có oresol thì pha 2 thìa cà phê muối ăn và 8 thìa cà phê đường kính cho vào 1 lít nước đun sôi để nguội. Lượng dịch bổ sung căn cứ vào nhiệt độ, mồ hôi, nôn, lượng nước tiểu. Cần cho uống thêm nước trái cây, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Theo dõi chặt để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như hạ sốt đột ngột; bứt rứt, vật vã, li bì; đau bụng đột ngột và có xu hướng gia tăng; chân, tay lạnh, tiểu ít; nôn nhiều; không thể bù nước và chất điện giải theo đường uống. Chỉ cần có một trong các dấu hiệu trên là phải đưa cháu đến bệnh viện ngay.
Thông thường, bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 7-10 ngày. Biểu hiện xuất huyết thường xảy ra từ ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh dưới nhiều hình thái: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cách tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc có mảng bầm tím; chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiêu ra máu; kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.